Trước khi sử dụng giấy tờ của Việt Nam cấp tại nước ngoài, hoặc ngược lại, bạn nên kiểm tra xem giấy tờ của mình có được miễn hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự hay không. Hãy chia sẻ bài viết này tới những ai có nhu cầu.
Hiện nay, nhu cầu hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự giấy tờ Việt Nam để sử dụng tại nước ngoài hay giấy tờ nước ngoài để sử dụng tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng. Việc thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự lại không hề dễ dàng, mà khá phức tạp và tốn nhiều thời gian cũng như công sức.
Tuy nhiên, không phải giấy tờ nào của Việt Nam cũng cần phải được chứng nhận lãnh sự/hợp pháp hóa lãnh sự mới có thể sử dụng tại nước ngoài và ngược lại. Trường hợp này được gọi là miễn hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự. Do đó, theo kinh nghiệm làm hợp pháp hóa lãnh sự nhiều năm, chúng tôi khuyên bạn kiểm tra xem giấy tờ của mình có được miễn hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự hay không.
Dưới đây, chúng tôi cập nhật danh sách các quốc gia và các giấy tờ, tài liệu được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của Việt Nam. Nhưng trước khi cung cấp tới bạn danh sách, chúng tôi sẽ giải thích cho bạn biết Miễn Hợp pháp hóa lãnh sự, chứng nhận lãnh sự là gì, và đâu là cơ sở pháp lý của việc này.
1. Miễn Hợp pháp hóa lãnh sự, chứng nhận lãnh sự là gì?
Miễn hợp pháp hóa lãnh sự là việc một loại giấy tờ cụ thể được miễn bước xác nhận lãnh sự của cơ quan ngoại giao có thẩm quyền của nước sử dụng. Giấy tờ nào chỉ được miễn hợp pháp hóa lãnh sự sẽ vẫn phải chứng nhận lãnh sự theo quy định.
👉Xem Hợp pháp hóa lãnh sự là gì?
Miễn chứng nhận lãnh sự là việc một loại giấy tờ cụ thể được miễn bước xác nhận lãnh sự của cơ quan ngoại giao có thẩm quyền của nước cấp. Giấy tờ nào chỉ được miễn chứng nhận lãnh sự sẽ vẫn phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định.
👉Xem Chứng nhận lãnh sự là gì?
Như vậy, giấy tờ nào được miễn chứng nhận lãnh sự và hợp pháp hóa lãnh sự tức là người sở hữu có thể mang giấy tờ đó từ nước cấp sang nước sử dụng để sử dụng mà không cần phải thực hiện bất kỳ thủ tục liên quan đến chứng nhận lãnh sự và hợp pháp hóa lãnh sự.
Cơ sở pháp lý của miễn hợp pháp hóa lãnh sự, chứng nhận lãnh sự
Việc miễn hợp pháp hóa lãnh sự và chứng nhận lãnh sự được quy định tại Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ và các thỏa thuận và hiệp định giữa Việt Nam và các quốc gia.
2. Các giấy tờ được miễn hợp pháp hóa lãnh sự
Dưới đây là danh sách 4 loại giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ:
- Giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên, hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
- Giấy tờ, tài liệu được chuyển giao trực tiếp hoặc qua đường ngoại giao giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
- Giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Giấy tờ, tài liệu mà cơ quan tiếp nhận của Việt Nam hoặc của nước ngoài không yêu cầu phải hợp pháp hóa lãnh sự, chứng nhận lãnh sự phù hợp với quy định pháp luật tương ứng của Việt Nam hoặc của nước ngoài.
3. Danh sách các nước miễn hợp pháp hóa lãnh sự
Khi tìm hiểu về danh sách các nước được miễn hợp pháp hóa lãnh sự, chúng ta phải tìm hiểu về các hiệp định tương trợ tư pháp hay hiệp định lãnh sự của Việt Nam với các quốc gia khác. Theo đó, hiện nay Việt Nam đang ký kết hiệp định tương trợ tư pháp và hiệp định lãnh sự, trong đó có liên quan đến vấn đề miễn hợp pháp hóa lãnh sự, với 30 quốc gia trên thế giới.
Trước khi đến với danh sách 30 quốc gia được miễn hợp pháp hóa lãnh sự, chúng tôi xin giải thích thêm rằng phạm vi tương trợ tư pháp được áp dụng miễn hợp pháp hóa lãnh sự, chứng nhận lãnh sự bao gồm:
- tống đạt và chuyển giao giấy tờ, tài liệu tư pháp và ngoài tư pháp của Tòa án hoặc của cơ quan tư pháp khác,
- thực hiện các hành vi tố tụng như lấy lời khai nhân chứng hoặc của các bên, giám định hoặc thu thập chứng cứ và trao đổi giấy tờ hộ tịch cũng như mọi hành vi tố tụng khác theo yêu cầu của một trong các Bên để phục vụ hoạt động tương trợ tư pháp.
Và ngay dưới đây là danh sách các quốc gia được miễn hợp pháp hóa lãnh sự, chứng nhận lãnh sự với Việt Nam:
1. Afghanistan
- Theo quy định tại Điều 36 Hiệp định Lãnh sự với Afghanistan năm 1987, các giấy tờ thuộc thẩm quyền của viên chức lãnh sự do cơ quan đại diện của nước này tại nước kia được miễn Hợp pháp hóa/Chứng nhận lãnh sự.
2. Algeria
Có 02 loại giấy tờ của Algeria và Việt Nam được miễn chứng nhận lãnh sự/hợp pháp hóa lãnh sự để sử dụng tại nước còn lại, đó là:
- các giấy tờ, tài liệu do các cơ quan có thẩm quyền của hai Bên cấp dùng trong mục đích tương trợ tư pháp về hình sự và chuyển qua cơ quan trung ương theo Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự ngày 14/4/2010 (Căn cứ: Điều 10 của Hiệp định);
- Các giấy tờ dân sự, thương mại có chữ ký và con dấu chính thức của Cơ quan có thẩm quyền cấp dùng trong mục đích tương trợ tư pháp về hình sự và chuyển qua cơ quan trung ương theo Hiệp định Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại năm 2010 (Căn cứ: Điều 5 của Hiệp định).
👉Các giấy tờ khác vẫn cần được hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự theo thủ tục quy định.
3. Cộng hòa Ba Lan (Poland)
Có 02 loại giấy tờ của Ba Lan và Việt Nam được miễn chứng nhận lãnh sự/hợp pháp hóa lãnh sự để sử dụng tại nước còn lại, đó là:
- Các loại giấy tờ lao động (Điều 1.3), dân sự, gia đình, hình sự được cơ quan có thẩm quyền lập, chứng thực do các cơ quan có thẩm quyền của Ba Lan và Việt Nam cấp dùng cho mục đích tương trợ tư pháp theo Hiệp định Hiệp định tương trợ tư pháp năm 1993 (Căn cứ: Điều 14 và 15 của Hiệp định)
- Theo Điều 34 Hiệp định lãnh sự năm 1979, các giấy tờ thuộc thẩm quyền của viên chức lãnh sự do Cơ quan đại diện của Ba Lan tại Việt Nam và Cơ quan đại diện của Việt Nam tại Balan cấp.
👉Các giấy tờ khác vẫn cần được hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự theo thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự Ba Lan.
4. Cộng hòa Bun-ga-ri (Bulgaria)
Có 02 loại giấy tờ của Bulgaria và Việt Nam được miễn hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự để sử dụng tại nước còn lại, đó là:
- Các loại giấy tờ dân sự, hôn nhân gia đình, hình sự do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của hai bên cấp (Căn cứ: Điều 12 Hiệp định tương trợ tư pháp năm 1986).
- Các giấy tờ thuộc thẩm quyền của viên chức lãnh sự do Cơ quan đại diện của nước này tại nước kia cấp (Căn cứ: Điều 33 Hiệp định lãnh sự năm 1979).
👉Các giấy tờ khác vẫn cần được hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự theo thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự Bun-ga-ri (Bulgaria)
5. Cộng hòa Bê-la-rút (Belarus)
Có 02 loại giấy tờ của Belarus và Việt Nam được miễn hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự để sử dụng tại nước còn lại, đó là:
- Theo Điều 11 Hiệp định tương trợ tư pháp năm 2000, các loại giấy tờ dân sự (thương mại), gia đình, lao động, hình sự do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền được miễn hợp pháp hóa/chứng nhận lãnh sự.
- Theo Điều 13 Hiệp định lãnh sự năm 2008, các giấy tờ thuộc thẩm quyền của viên chức lãnh sự Cơ quan đại diện của Bê-la-rút tại Việt Nam và Cơ quan đại diện của Việt Nam tại Bê-la-rút cấp được miễn hợp pháp hóa/chứng nhận lãnh sự.
👉Các giấy tờ khác vẫn cần được hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự theo thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự Belarus.
6. Vương quốc Campuchia (Cambodia)
Việc miễn chứng nhận lãnh sự/hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ của Campuchia và Việt Nam được quy định như sau:
- Theo Khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015: Giấy tờ sử dụng để đăng ký khai sinh, giải quyết các việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài, khai tử cho người nước ngoài cư trú ổn định tại khu vực biên giới do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Campuchia cấp được miễn Hợp pháp hóa lãnh sự của cơ quan ngoại giao của Việt Nam à tức là vẫn cần được chứng nhận lãnh sự của cơ quan có thẩm quyền của Campuchia.
- Theo Điều 11 Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự năm 2013: Các giấy tờ, tài liệu công dùng cho mục đích tương trợ tư pháp về dân sự do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của hai bên cấp giao qua kênh liên lạc theo quy định của Hiệp định được miễn hợp pháp hóa lãnh sự à tức là vẫn cần được chứng nhận lãnh sự của cơ quan có thẩm quyền của nước cấp giấy tờ.
- Theo Điều 41 Hiệp định lãnh sự năm 1997 với Campuchia: Các giấy tờ thuộc thẩm quyền của viên chức lãnh sự do Cơ quan đại diện của Campuchia tại Việt Nam và Cơ quan đại diện của Việt Nam tại Campuchia cấp được miễn hợp pháp hóa/chứng nhận lãnh sự.
👉Các giấy tờ khác vẫn cần được hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự theo thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự Campuchia.
7. Cộng hòa Ca-dắc-xtan (Kazakhstan)
- Theo Điều 14 Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự năm 2011, Bản án, quyết định của Tòa án, hoặc trích lục bản án, quyết định của Tòa án hoặc các tài liệu cần thiết khác có liên quan đến hộ tịch của công dân Bên ký kết do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền được miễn hợp pháp hóa/chứng nhận lãnh sự nếu chuyển giao qua kênh liên lạc theo quy định của Hiệp định.
👉Các giấy tờ khác vẫn cần được hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự theo thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự Kazakhstan.
8. Cộng hòa Cu-ba (Cuba)
Có 02 loại giấy tờ của Cuba và Việt Nam được miễn hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự để sử dụng tại nước còn lại, đó là
- Các loại giấy tờ dân sự, hôn nhân gia đình, hình sự, lao động do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của hai Bên cấp (Căn cứ: Điều 13 Hiệp định tương trợ tư pháp năm 1988).
- Các giấy tờ thuộc thẩm quyền của viên chức lãnh sự do Cơ quan đại diện của Cu-ba tại Việt Nam và Cơ quan đại diện của Việt Nam tại Cu-ba cấp được (Căn cứ: Điều 12 Hiệp định lãnh sự năm 1981).
👉Các giấy tờ khác vẫn cần được hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự theo thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự Cuba.
9. Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên (North Korea)
- Theo Điều 7 Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý trong các vấn đề dân sự và hình sự năm 2002, giấy tờ dùng cho mục đích tương trợ tư pháp dân sự và hình sự do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của hai bên cấp được miễn hợp pháp hóa/chứng nhận lãnh sự nếu sử dụng cho mục đích tương trợ tư pháp theo Hiệp định.
👉Các giấy tờ khác vẫn cần được hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự theo thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự Triều Tiên.
10. Trung Quốc (Đài Loan) (Taiwan)
- Theo Điều 15 Thỏa thuận giữa hai Văn phòng Kinh tế – Văn hoá về Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, các loại giấy tờ dân sự, thương mại, hôn nhân, gia đình và lao động (Điều 1.2) có chữ ký và con dấu chính thức của cơ quan có thẩm quyền cấp do các cơ quan có thẩm quyền của hai Bên cấp được miễn hợp pháp hóa/chứng nhận lãnh sự nếu sử dụng cho mục đích tương trợ tư pháp theo Thỏa thuận.
👉Các giấy tờ khác vẫn cần được hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự theo thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự Đài Loan.
11. Vương quốc Đan Mạch (Denmark)
- Theo Điều 4 Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi năm 2003, Giấy tờ dùng vào việc cho nhận nuôi con nuôi do Cơ quan có thẩm quyền của hai Bên cấp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự.
👉Các giấy tờ khác vẫn cần được hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự theo thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự Đan Mạch.
12. Vương quốc Hà Lan (Netherlands)
- Theo Công hàm số HANOI/2015-236 ngày 10/12/2015 của Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội, giấy tờ, tài liệu của Việt Nam do Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, đã được chứng nhận lãnh sự tại Bộ Ngoại giao Việt Nam được miễn Hợp pháp hóa lãnh sự của cơ quan ngoại giao Hà Lan.
👉Như vậy:
- Các giấy tờ do Việt Nam cấp cần được chứng nhận lãnh sự tại Bộ Ngoại giao Việt Nam mới có thể mang sang Hà Lan sử dụng;
- Các giấy tờ do Hà Lan cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự Hà Lan thông thường.
13. Cộng hòa Hung-ga-ri (Hungary)
Có 02 loại giấy tờ của Cuba và Việt Nam được miễn hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự để sử dụng tại nước còn lại, đó là:
- Các giấy tờ công do cơ quan của một Bên ký kết ban hành hoặc giấy tờ tư có công chứng/chứng thực như chứng nhận đăng ký, chữ ký hoặc nhận dạng do các cơ quan có thẩm quyền của hai Bên cấp được chuyển giao qua các kênh liên lạc theo theo quy định của Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự năm 2018 (Căn cứ: Điều 6 của Hiệp định).
- Các giấy tờ thuộc thẩm quyền của viên chức lãnh sự do Cơ quan đại diện của Hung-ga-ri tại Việt Nam và Cơ quan đại diện của Việt Nam tại Hung-ga-ri cấp (Căn cứ: Điều 33 Hiệp định lãnh sự năm 1979)
👉Các giấy tờ khác vẫn cần được hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự theo thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự Hungary.
14. Cộng hòa I-rắc (Iraq)
- Theo Điều 40 Hiệp định lãnh sự năm 1990, các giấy tờ thuộc thẩm quyền của viên chức lãnh sự do Cơ quan đại diện của I-rắc tại Việt Nam và Cơ quan đại diện của Việt Nam tại I-rắc cấp được miễn hợp pháp hóa/chứng nhận lãnh sự.
👉Các giấy tờ khác vẫn cần được hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự theo thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự I-rắc.
15. Cộng hòa Ý (Italy)
- Theo Điều 4 Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi năm 2003, giấy tờ dùng vào việc cho nhận nuôi con nuôi do Cơ quan có thẩm quyền của hai nước cấp được miễn hợp pháp hóa/chứng nhận lãnh sự.
👉Các giấy tờ khác vẫn cần được hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự theo thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự Ý.
16. CHDCND Lào (Laos)
Việc miễn chứng nhận lãnh sự/hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ của Lào và Việt Nam được quy định như sau:
- Theo Điều 12 Hiệp định tương trợ tư pháp năm 1988, các loại giấy tờ dân sự, hôn nhân gia đình, hình sự do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của hai Bên cấp được miễn hợp pháp hóa/chứng nhận lãnh sự.
- Theo Điều 36 Hiệp định lãnh sự năm 1985, các giấy tờ thuộc thẩm quyền của viên chức lãnh sự do Cơ quan đại diện của Lào tại Việt Nam và Cơ quan đại diện của Việt Nam tại Lào cấp được miễn hợp pháp hóa/chứng nhận lãnh sự.
- Theo Khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015, giấy tờ sử dụng để đăng ký khai sinh, giải quyết các việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài, khai tử cho người nước ngoài cư trú ổn định tại khu vực biên giới do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Lào tại khu vực biên giới cấp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự của cơ quan ngoại giao của Việt Nam.
👉Như vậy:
- Giấy tờ sử dụng để đăng ký khai sinh, giải quyết các việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài, khai tử cho người nước ngoài cư trú ổn định tại khu vực biên giới do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Lào tại khu vực biên giới cấp vẫn cần phải chứng nhận lãnh sự của cơ quan có thẩm quyền của Lào mới có thể mang sang biên giới Việt Nam sử dụng.
- Các giấy tờ khác các giấy tờ nêu trên vẫn cần được hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự theo thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự Lào.
17. Mông Cổ (Mongolia)
Có 02 loại giấy tờ của Mông Cổ và Việt Nam được miễn hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự để sử dụng tại nước còn lại, đó là:
- Các loại giấy tờ dân sự, hôn nhân gia đình, hình sự do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của hai Bên cấp (Căn cứ: Điều 8 Hiệp định tương trợ tư pháp năm 2000).
- Các giấy tờ thuộc thẩm quyền của viên chức lãnh sự do Cơ quan đại diện của Mông Cổ tại Việt Nam và Cơ quan đại diện của Việt Nam tại Mông Cổ cấp (Căn cứ: Điều 31 Hiệp định lãnh sự năm 1979).
👉Các giấy tờ khác vẫn cần được hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự theo thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự Mông Cổ.
18. Liên Bang Nga (Russia)
Có 02 loại giấy tờ của Nga và Việt Nam được miễn hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự để sử dụng tại nước còn lại, đó là:
- Các loại giấy tờ do cơ quan tư pháp lập hoặc chứng thực (gồm cả bản dịch, trích lục đã được chứng thực) do Cơ quan Tư pháp của hai Bên cấp (Căn cứ: Điều 15 Hiệp định tương trợ tư pháp và Pháp luật về các vấn đề dân sự và hình sự năm 1998).
- Lưu ý: Cơ quan Tư pháp là các Tòa án, Viện kiểm sát và các cơ quan khác có thẩm quyền về các vấn đề dân sự và hình sự (Văn phòng công chứng, Công ty luật) theo pháp luật của nước nơi cơ quan này có trụ sở.
- Các giấy tờ thuộc thẩm quyền của viên chức lãnh sự do Cơ quan đại diện của Nga tại Việt Nam và Cơ quan đại diện của Việt Nam tại Nga cấp (Căn cứ: Điều 29 Hiệp định lãnh sự năm 1978 (ký với Liên Xô)).
👉Các giấy tờ khác vẫn cần được hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự theo thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự Nga.
19. Nhật Bản (Japan)
- Theo nguyên tắc có đi có lại, các loại giấy tờ hộ tịch do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của hai Bên cấp được miễn hợp pháp hóa/chứng nhận lãnh sự.
- Lưu ý: Giấy tờ hộ tịch bao gồm Giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai tử.
👉Các giấy tờ khác vẫn cần được hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự theo thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự Nhật Bản.
20. Ni-ca-ra-goa (Nicaragua)
- Theo Điều 34 Hiệp định lãnh sự với Ni-ca-ra-goa năm 1983, các giấy tờ thuộc thẩm quyền của viên chức lãnh sự do Cơ quan đại diện của Ni-ca-ra-goa tại Việt Nam và Cơ quan đại diện của Việt Nam tại Ni-ca-ra-goa cấp được miễn hợp pháp hóa/chứng nhận lãnh sự.
👉Các giấy tờ khác vẫn cần được hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự theo thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự Nicaragua.
21. Úc (Australia)
- Theo Điều 8 Hiệp định lãnh sự với Úc năm 2003, các giấy tờ thuộc thẩm quyền của viên chức lãnh sự do Cơ quan đại diện của Úc tại Việt Nam và Cơ quan đại diện của Việt Nam tại Úc được miễn hợp pháp hóa/chứng nhận lãnh sự.
👉Các giấy tờ khác vẫn cần được hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự theo thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự Úc.
22. Cộng hòa Pháp (France)
Việc miễn chứng nhận lãnh sự/hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ của Pháp và Việt Nam được quy định như sau:
- Bản án, quyết định công nhận/thi hành án dân sự, các giấy tờ hộ tịch, giấy tờ dân sự dùng cho việc kết hôn, nuôi con nuôi, nhận cha, mẹ, con do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của hai Bên cấp được miễn hợp pháp hóa/chứng nhận lãnh sự (Căn cứ: Điều 26 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự năm 1999, và Công hàm trao đổi giữa Cục lãnh sự và Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội năm 2011);
- Giấy tờ dùng cho việc nhận nuôi con nuôi do Cơ quan có thẩm quyền lập và chuyển qua các Cơ quan Trung ương được miễn hợp pháp hóa/chứng nhận lãnh sự (Căn cứ: Điều 17 Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi);
- Các giấy tờ thuộc thẩm quyền của viên chức lãnh sự do Cơ quan đại diện của Pháp tại Việt Nam và Cơ quan đại diện của Việt Nam tại Pháp cấp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự nhưng phải được chứng nhận lãnh sự nếu Bên kia yêu cầu (Căn cứ: Điều 35.3 Hiệp định lãnh sự ngày 21/12/1981).
👉Các giấy tờ khác vẫn cần được hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự theo thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự Pháp.
23. Ru-ma-ni (Romania)
- Theo Điều 22 Hiệp định lãnh sự năm 1995, các giấy tờ thuộc thẩm quyền của viên chức lãnh sự do Cơ quan đại diện của Ru-ma-ni tại Việt Nam và Cơ quan đại diện của Việt Nam tại Ru-ma-ni cấp được miễn hợp pháp hóa/chứng nhận lãnh sự.
👉Các giấy tờ khác vẫn cần được hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự theo thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự Rumani.
24. Cộng hòa Séc (Czech)
Có 02 loại giấy tờ của Séc và Việt Nam được miễn hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự để sử dụng tại nước còn lại, đó là:
- Các loại giấy tờ dân sự (bao gồm các việc về gia đình và lao động) và hình sự do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của hai Bên cấp (Căn cứ: Điều 13 Hiệp định tương trợ tư pháp năm 1982 (ký với Tiệp Khắc));
- Các giấy tờ thuộc thẩm quyền của viên chức lãnh sự do Cơ quan đại diện của Séc tại Việt Nam và Cơ quan đại diện của Việt Nam tại Séc (Căn cứ: Điều 40 Hiệp định lãnh sự năm 1980 (ký với Tiệp Khắc)).
👉Các giấy tờ khác vẫn cần được hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự theo thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự Séc.
25. Vương quốc Tây Ban Nha (Spain)
- Theo quy định, các giấy tờ, tài liệu về hình sự do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của hai Bên cấp được miễn hợp pháp hóa/chứng nhận lãnh sự khi chuyển giao thông qua các Cơ quan trung ương.
👉Các giấy tờ khác vẫn cần được hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự theo thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự Tây Ban Nha.
26. Liên bang Thụy Sĩ (Switzerland)
- Theo Điều 4 Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi năm 2005, giấy tờ dùng vào việc cho nhận nuôi con nuôi do Cơ quan có thẩm quyền của hai Bên cấp được miễn hợp pháp hóa/chứng nhận lãnh sự.
👉Các giấy tờ khác vẫn cần được hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự theo thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự Thụy Sĩ.
27. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc – China)
Việc miễn chứng nhận lãnh sự/hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ của Trung Quốc và Việt Nam được quy định như sau:
- Theo Điều 29 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Trung Hoa năm 1998, các loại giấy tờ dân sự (thương mại, hôn nhân gia đình và lao động) và hình sự do Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền của hai Bên lập hoặc xác nhận, ký và đóng dấu chính thức được miễn hợp pháp hóa/chứng nhận lãnh sự nếu dùng cho mục đích tương trợ tư pháp theo Hiệp định.
- Theo Điều 45 Hiệp định lãnh sự năm 1998, các giấy tờ thuộc thẩm quyền của viên chức lãnh sự do Cơ quan đại diện của Trung Quốc tại Việt Nam và Cơ quan đại diện của Việt Nam tại Trung Quốc cấp được miễn hợp pháp hóa/chứng nhận lãnh sự.
- Theo Khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015, giấy tờ sử dụng để đăng ký khai sinh, giải quyết các việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài, khai tử cho người nước ngoài cư trú ổn định tại khu vực biên giới do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Trung Quốc tại khu vực biên giới được miễn hợp pháp hóa của cơ quan ngoại giao của Việt Nam.
Lưu ý: Đối với giấy tờ như bằng cấp, chứng chỉ, lý lịch tư pháp (xác nhận không tiền án, tiền sự) và các giấy tờ liên quan khác do cơ quan công chứng của Trung Quốc hoặc cơ quan có thẩm quyền khác (bao gồm Hồng Kông, Ma Cao) chứng nhận, sau đó được Vụ Lãnh sự Bộ Ngoại giao Trung Quốc (hoặc cơ quan ngoại vụ địa phương Trung Quốc được ủy quyền) chứng thực thì phải Hợp pháp hóa tại Cơ quan đại diện của Việt Nam tại Trung Quốc (Căn cứ theo nội dung công hàm trao đổi giữa Cục Lãnh sự và Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam).
👉Các giấy tờ khác vẫn cần được hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự theo thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự Trung Quốc.
28. U-crai-na (Ukraina)
Có 02 loại giấy tờ của Ukraina và Việt Nam được miễn hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự để sử dụng tại nước còn lại, đó là:
- Các giấy tờ dân sự (thương mại, hôn nhân gia đình, lao động) và hình sự do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của hai Bên cấp (Căn cứ: Điều 12 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Ukraina năm 2000);
- Các giấy tờ thuộc thẩm quyền của viên chức lãnh sự do Cơ quan đại diện của U-crai-na tại Việt Nam và Cơ quan đại diện của Việt Nam tại U-crai-na cấp (Căn cứ: Điều 42 Hiệp định lãnh sự năm 1994).
👉Các giấy tờ khác vẫn cần được hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự theo thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự Ukraina.
29. Cộng hòa Xlô-va-ki-a (Slovakia)
Có 02 loại giấy tờ của Slovakia và Việt Nam được miễn hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự để sử dụng tại nước còn lại, đó là:
- Các loại giấy tờ dân sự (bao gồm các việc về gia đình và lao động) và hình sự do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của hai Bên cấp (Căn cứ: Điều 13 Hiệp định tương trợ tư pháp năm 1982 (ký với Tiệp Khắc));
- Các giấy tờ thuộc thẩm quyền của viên chức lãnh sự do Cơ quan đại diện của Slovakia tại Việt Nam và Cơ quan đại diện của Việt Nam tại Slovakia cấp (Căn cứ: Điều 40 Hiệp định lãnh sự năm 1980 (ký với Tiệp Khắc)).
👉Các giấy tờ khác vẫn cần được hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự theo thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự Slovakia Ukraina.
30. Cộng hòa In-đô-nê-xi-a (Indonesia)
- Theo Điều 19 Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Indonesia ký ngày 07/6/2013, có hiệu lực từ ngày 22/1/2016, các tài liệu, hồ sơ dùng trong mục đích tương trợ tư pháp về hình sự, trừ trường hợp đặc biệt khi Bên được yêu cầu đề nghị rằng các hồ sơ hoặc tài liệu phải được chứng thực do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của hai Bên cấp được miễn hợp pháp hóa/chứng nhận lãnh sự nếu được chuyển giao theo Hiệp định.
👉Các giấy tờ khác vẫn cần được hợp pháp hóa lãnh sự/chứng nhận lãnh sự theo thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự Indonesia.
Trên đây là toàn bộ danh sách 4 loại giấy tờ và 30 nước được miễn hợp pháp hóa lãnh sự. Danh sách các trường hợp miễn hợp pháp hóa lãnh sự này được cập nhật trên Cổng thông tin điện tử về Công tác lãnh sự của Bộ ngoại giao Việt nam tháng 10 năm 2019. Nếu giấy tờ của quý khách không thuộc danh sách này, quý khách sẽ cần chứng nhận lãnh sự/hợp pháp hóa lãnh sự để sử dụng hợp pháp tại quốc gia nước ngoài. Trong trường hợp này, hãy liên hệ với Vietnam-visa theo Hotline 0946.583.583